Thứ Tư, 24 tháng 2, 2016

Nóng lạnh


Sáng nay, rời khỏi nhà, xe chạy trong sương và mưa với nhiệt độ là 10 độ C.

Máy bay chuẩn bị đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, nghe thông báo nhiệt độ 29 độ. Chỉ mới 10 giờ mà nhiệt độ đã đến thế. Người đi đón đều hỏi, nóng không. Nhớ ngày vừa xuống phi trường Nội Bài, người ra đón đều hỏi, lạnh không.

Sự chênh lệch 10 độ C, giữa hai vĩ tuyến cách nhau khá xa. Nghĩ ra cũng bình thường. Vĩ độ Saigon khoảng 100 vĩ độ tại sân bay Nội Bài khoảng 210

Bạn hỏi tính chi kỹ vậy, chẳng gì, chỉ để nghĩ lại trong tâm mình đổi từ nóng qua lạnh thì cách nhau bao nhiêu. Đang vui vẻ với nhau bỗng nét mặt lạnh ngắt. Hình như nóng lạnh bên ngoài mình chịu được, có thể không than van càm ràm chi, nhưng sự thay đổi đột ngột của người đối diện kể ra là khá sốc. Và chúng ta thường chịu không nổi.

Nóng lạnh bên ngoài, đôi khi có cách. Như nóng quá, dùng quạt tay hay quạt máy, sang chút nữa thì máy lạnh. Lúc quá lạnh, áo ấm đủ loại, túi chườm nóng, nếu sang thì máy sưởi.


Nhưng đối diện với nóng lạnh của người, thế nào để tâm ta không vỡ vụn. Đáp án cũng có sẵn, chỉ là chúng ta chưa nghĩ tới.

Thứ Hai, 22 tháng 2, 2016

Gọi nắng hay mưa


Đi thăm chùa Dâu, gọi là chùa Pháp Vân. Truyền thuyết kể khá nhiều về bốn chị em, Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện. Người đi lễ tháng Giêng khá đông.

Lan man nghĩ, khoan nói gì đến niềm tin tín ngưỡng, hàng ngày chúng ta vẫn thường cầu hay xin này xin kia.

Sắp đi chơi, thấy trời chuyển mưa, vội "khấn" xin trời đừng mưa mà lỡ chuyến đi chơi.

Khi trời ít mưa, nghe thông báo giảm điện, số ngày cúp điện trong tuần tăng lên, thế là ai cũng "Lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, có điện tôi dùng...

Đi trên đường không bóng cây, nắng chang chang, xin trời cho một chút mây che ngang trời… chỉ là mây thôi, xin đừng mưa mà tội trễ tràng công việc.

Ngày nay kỹ thuật tân tiến có thể giúp chúng ta nhiều, nên ít tin vào các vị thần mây, thần mưa, thần sấm sét… như ngày xưa. Chỉ khi nào lâm vào cảnh bất khả kháng, mới vội niệm Phật xin được che chở.

Cho thấy, trong ta nỗi sợ hãi thầm lặng luôn có mặt, mà chính ta không biết.

Thứ Ba, 9 tháng 2, 2016

Khi... ngoảnh mặt




Theo người người ngoảnh mặt ta sầu,
Không theo ai dễ làm gì nhau.

À một bài hát, khi đang sầu người, nghe tự hiểu, hóa ra chỉ vì theo mới khổ đây! Dần dà hiểu ra, bớt sầu!

Thời gian sau ra làm việc. Thấm thía, khi công việc ngoảnh mặt với mình, chẳng theo sự sắp đặt của mình. Dù cũng thông minh không kém ai, chỉ kém “nghiệp” mà thôi! Hóa ra, theo việc việc không thành ta sầu, không theo việc dễ làm gì ta! 

Hiểu đến vậy, bớt khổ về người về việc...
Tưởng là xong, nhưng không!

Hết người hết việc thì tới thân, từ đau nhức hằng ngày đến khám phá một khối u đâu đó trong thân. À thì ra, theo thân thân ngoảnh mặt ta sầu, không theo thân dễ làm gì ta.

Bỏ người bỏ việc thì được, nhưng bỏ thân thì cay đắng đây.

Chỉ vì mong mình khỏe hơn, tốt hơn nên tâm luôn đau một nhịp với thân! Các bậc thầy đều nhắc, chỉ đau chứ đừng khổ!

Ngẫm lại, từ nào tới giờ chạy theo từ cảnh tới người, chạy theo, chạy theo mà đau khổ.


Tết, chúc nhau hai chữ bình an, nếu không hiểu thấu đáo những diễn biến trong tâm, thì hai chữ bình an thật khó đến.

Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2016

Nhịp không cùng

Mai nở ngày 23
Bạn đến tặng quà tết, đi ngang vườn mai, ngạc nhiên thốt lên, Sao mai nở sớm vậy!

Cả một vườn mai lá xanh, khó khăn lắm mới thấy những cánh mai đã nở và tàn.

Tôi bảo, nhờ lặt lá lần hai mới thấy vài đóa mai, không thì lá xanh che khuất hết. Đành để mai đón Tết sớm vậy.



Có biết bao lý giải về một vườn mai đón Tết sớm. 
Bạn hỏi, Lặt lá mai hôm nào vậy? 
Tôi chưa trả lời, bạn nhìn kỹ rồi bảo, có lẽ hơi sớm! Mai nở đúng hạn kỳ, nhưng có lẽ lặt lá sớm và tưới nước nhiều nên mai nở không cùng nhịp với đất trời.

Tôi không biết trong rừng ai lặt lá mai nhỉ. Và nó có đón tết cùng nhịp hay không. Để có những lời ca "Nếu mai không nở, con không biết xuân về hay chưa..."

Đôi lúc trong cuộc sống có những điều khi làm, vô tình khiến sự việc không đi đúng nhịp của nó.

À không, nó không đúng nhịp với đời với người, chứ đúng với nhịp riêng của nó.

Thứ Tư, 3 tháng 2, 2016

Tâm khó đứng vững



1- "Nạp thẻ ngày hôm nay để tặng 75%..."

Bình tâm hay không bình tâm trước một tin nhắn như vậy!

Khi không kịp biết những máy động của tâm từ những việc vô tội như nhận tin nhắn này, thì những giao động khác lợi nhuận cao gấp gấp trăm lần, tâm thật khó đứng vững.

Giá mà hoàn cảnh đừng để tâm thấy mối lợi, thì đau khổ đâu có phát sinh. 

Tiếc thay!

2- Và các bậc thầy, từ thế kỷ này qua thế kỷ khác, vẫn phải đắng miệng nhắc rằng, chính từ tâm mình đấy!

-------
Tản mạn chuyện tâm thôi. Tâm cứ luôn chông chênh như thế, thật khó mà biết đâu thật đâu giả. Đôi khi cũng cười vì lợi thật, đôi khi cũng khóc vì trắng tay!

Thứ Hai, 1 tháng 2, 2016

Ông táo


1- Tháng này, hôm nay thứ mấy và ngày tây mấy, thì đều quên. Chỉ nhớ 23 tết đưa ông Táo về trời.

Thói quen cứ đến 23 tháng Chạp là nói ngày đưa ông táo về trời, để báo cáo chuyện trong nhà một năm.

Bạn bảo, giờ còn ông Táo không nhỉ.
- Thì bao giờ mà chẳng còn.

Những gì mình làm trong năm  qua đều ghi rõ trong bản báo cáo của tâm, và sẽ đọc vào ngày 30. Của cuối năm và của cuối đời.

Nếu ngày 30 này chưa kịp đọc thì sẽ đọc vào ngày 30 nào đó trong đời.

2- Bạn làm thinh. Cuối cùng, bạn thở dài bảo, ai cũng tin như vậy, chỉ là muốn rằng không tin, để yên lòng về những gì khuất lấp đã làm trong năm qua.